Kiến trúc Chùa_Một_Cột

Nguyên bản

Cột đá Chùa Dạm thời Lý - tương đồng với cột trụ trong kiến trúc của Liên Hoa Đài tại chùa Diên Hựu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ trong bài nghiên cứu năm 1999 đã đưa ra các dẫn chứng chứng minh: lối kiến trúc một cột tương đồng với kiến trúc từng tồn tại trên cột đá chùa Dạm.[12] Năm 2013, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Trọng Dương: "toàn bộ chùa Diên Hựu được thiết kế theo đồ hình mandala mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo." Trong đó, "Liên hoa đài ở chùa Diên Hựu là một “bông sen nghệ thuật khổng lồ” (chữ dùng của Chu Quang Trứ).[1][13]

Theo một số nhà nghiên cứu, lối kiến trúc một cột có từ trước đời nhà Lý. Ở Hoa Lư, Ninh Bình trong ngôi chùa Nhất Trụ mà con gái vua Đinh Tiên Hoàng tu hành, có một cây cột đá cao, tám cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm, đề niên hiệu thời Lê Hoàn (9811005). Phía trên cột là tòa sen chạm. Năm Long Thụy Thái Bình thứ năm đời Lý Thánh Tông (1058) có xây điện Linh Quang ở Thăng Long, phía trước điện dựng lầu chuông, một cột tám cạnh hình bông sen.

Kế thừa các thành quả nghiên cứu sau hơn 20 năm, ngày 10/10/2020, nhóm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và họa sĩ - SEN Heritage đã tổ chức tọa đàm đưa ra một phương án tái lập kiến trúc nguyên bản của chùa Diên Hựu, trong đó trung tâm là kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý (độc trụ lục giác liên hoa lâu - theo "Việt sử lược") của Liên Hoa Đài bằng hình ảnh 3D và công nghệ thực tế ảo.[2][14][15] Buổi tọa đàm có sự góp mặt của giới chuyên môn như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, Tiến sĩ Trần Trọng Dương,... và giới báo chí.

Bản dựng lại năm 1955

Hình Xi Vẫn trang trí mái đầu đao.

Thực dân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho nổ mìn phá chùa. Tuy nhiên, chùa đã được trùng tu bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng theo kiến trúc để lại thời Nguyễn. Chùa Một Cột hiện nay bao gồm đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3 m, mái cong, dựng trên cột cao 4 m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính 1,2 m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có Lưỡng long chầu nguyệt. Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh "Lưỡng long chầu nguyệt" trên các mái đình đền, chùa chiền không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.

Bậc thang dẫn lên chính điện.Hình Lưỡng long chầu nguyệt (hai rồng chầu Mặt Trăng) trang trí nóc mái.

Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, nhưng ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên khỏi ao. Ao được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Kiến trúc chùa xây dựng gần với kiến trúc còn để lại thời Nguyễn.

Cạnh chùa Một Cột ngày nay còn có một ngôi chùa có cổng tam quan, với bức hoành phi ba chữ "Diên Hựu tự", nguyên là công trình được dựng lần đầu tiên năm 1049, để mở rộng quy mô cho chùa Một Cột trong việc thờ cúng, tụng kinh Phật và sinh hoạt của các tăng ni (trong quần thể chùa Diên Hựu lúc đó).

Trong vườn chùa hiện có một cây bồ đề xum xuê từ đất Phật, do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ năm 1958.

Ngày nay, chùa Một Cột là một trong những điểm tham quan du lịch được rất nhiều du khách ghé thăm khi đặt chân đến Hà Nội.

Chùa Một Cột cũng đã được công nhận là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á.

Chùa Diên Hựu, tức chùa Một cột.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chùa_Một_Cột http://dantri.com.vn/c20/s20-652340/chua-mot-cot-n... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://www1.vtc.com.vn/view/130/54391/phim_tai_lie... http://vni.pro.vn/true360/sen/# http://vov.vn/Van-hoa/Chua-Mot-Cot-duoc-xac-lap-ky... https://books.google.com/books?id=LC9wAAAAMAAJ&q=%... https://books.google.com/books?id=b2RuAAAAMAAJ&q=%... https://www.youtube.com/watch?v=w5XIpzLEWsg https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:One_Pi... https://anninhthudo.vn/tai-hien-hinh-anh-chua-dien...